I. GIỚI THIỆU
Hiện nay đã xuất hiện nhiều những chủ nhà mới trong tư duy, trong cách thức làm việc. Họ đã góp không nhỏ thúc đẩy đến thị trường xây dựng, tới việc hành nghề tư vấn thiết kế của kiến trúc sư.
Và tất nhiên họ là chủ nhà biết làm việc một cách chuyên nghiệp với kiến trúc sư.
II. MỤC LỤC
1. Có năng lực tài chính
2. Có gu thẩm mỹ, văn hóa và tri thức
3. Làm việc chuyên nghiệp và tin tưởng
4. Bình đẳng và sòng phẳng
III. NỘI DUNG
1. Có năng lực tài chính
Đó là điều đầu tiên phải ghi nhận ở tầng lớp chủ nhà mới này. Họ làm giàu một cách chính đáng và việc xây nhà là sự thụ hưởng nhằm hướng tới giá trị cuộc sống tốt hơn. Những chủ nhà này thường trẻ, phần nhiều làm kinh doanh, nhưng đều có tri thức nhất định. Việc tự chủ về tài chính (không phải phụ thuộc ai, không phải vay ai…) có ý nghĩa rất nhiều để công trình ra đời có kết quả tốt nhất.
Ở góc độ chuyên môn, nếu ít tiền thì chắc chắn anh sẽ không thể có được những hệ thống kỹ thuật tốt nhất, những vật liệu bền – đẹp nhất cho ngôi nhà.
Không thể phủ nhận rằng phần lớn kiến trúc sư thích làm việc với những chủ nhà như thế này. Tất nhiên trong quá trình tư vấn thiết kế sẽ còn có điều này điều kia. Nhưng chắc chắn không kiến trúc sư nào muốn cứ đưa phương án nào ra lại bị chủ nhà gạt đi vì tốn kém,…
2. Có gu thẩm mỹ, văn hóa và tri thức
Đã qua rồi cái thời kỳ “ăn chắc mặc bền” khi xây nhà. Nhà mới giờ là phải đẹp, và hơn thế, phải có “gu”, có “chất”. Đó là những yêu cầu mà những chủ nhà thường đưa ra với kiến trúc sư. Hiểu được ý họ, chuyển tải được những nhu cầu, tinh thần của chủ nhà bằng vật liệu kiến trúc là không hề đơn giản.
Có những kiến trúc sư trẻ không đọc được điều đó cứ vẽ đi vẽ lại phương án mà không được “duyệt”. Không phải vì sai, không phải vì xấu, mà chưa hiểu, chưa tải đúng tinh thần của chủ nhà.
Còn nếu kiến trúc sư hợp “gu” chủ nhà; làm được đúng cái chất mà chủ nhà mong muốn, thì không có gì tuyệt vời hơn. Thiết kế sẽ tốt, thi công tốt và cái chuyện tế nhị nhưng không thể không nói là vấn đề tiền nong cũng trở nên vui vẻ giữa đôi bên.
3. Làm việc chuyên nghiệp và tin tưởng
Xã hội bây giờ càng ngày càng chuyên môn hoá, chuyên nghiệp hoá. Không ai có thể làm hết và làm tốt tất cả mọi việc. Vai trò của kiến trúc sư đã được coi trọng hơn rất nhiều so với trước kia. Số khách hàng coi kiến trúc sư như thợ vẽ, yêu cầu vẽ giống cái này, cái kia dẫu vẫn còn nhưng đã giảm đáng kể và thay vào đó là tầng lớp chủ nhà mới mà chúng ta đã nhắc tới.
Những chủ nhà này đều có một cách thức làm việc chuyên nghiệp, nhanh gọn, quyết đoán đúng bản chất sự việc để đạt hiệu quả tốt nhất.
Điều cốt lõi là phải hiểu được nhau, nắm bắt được nhu cầu. Và do vậy việc trao đổi thông tin là rất quan trọng. Còn chuyện về sau, nôm na là triển khai cụ thể ở giải pháp kỹ thuật, ở chi tiết; ở việc xây – trát – ốp – lát… những chủ nhà này rất ít khi can thiệp. Họ hiểu rằng: nhà chuyên môn sẽ làm tốt hơn rất nhiều.
4. Bình đẳng và sòng phẳng
Xã hội như một vòng tròn nên chẳng ai là đầu hay cuối cả. Chủ nhà và kiến trúc sư đến với nhau nên có một tinh thần như vậy. Cả hai bên cùng cần nhau, cùng có quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm với nhau. Không ai nhờ vả ai; không ai luỵ, cầu cạnh ai.
Cái chuyện: “Anh sắp xây nhà, em làm giúp!” chắc chắn khó có thể có một kết quả tốt. Người trong nghề vẫn gọi đùa là làm “nhà tình nghĩa”.
Những chủ nhà mới rất bình đẳng và sòng phẳng. Họ bình đẳng trong thái độ nhìn nhận và đối xử với nhau, không phân biệt tuổi tác hay các yếu tố khác. Họ sòng phẳng, rõ ràng trong công việc, trong vấn đề khó nói là kinh phí, là tiền nong.
Kiến trúc sư nói chung có máu nghệ sĩ, có tự ái cao; cái việc gãi đầu gãi tai đòi tiền khi (hoặc sau khi) giao bản vẽ là rất ngại; cứ như thể đi xin xỏ gì vậy – mà rõ ràng là làm việc hoàn thành. Với những người chủ nhà mới này, chuyện nào ra chuyện đó. Công việc là công việc, tiền là tiền, tình cảm là tình cảm… những cái đó tồn tại độc lập không chi phối nhau.
Hy vọng bài viết giúp ích cho bạn!